Trưởng thành trong quân ngũ
Đồng chí Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931, tại làng Thượng Phúc, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có bề dày truyền thống văn hiến, lịch sử, được hun đúc, giáo dục về truyền thống quật cường của quê hương và dân tộc nên đồng chí Lê Khả Phiêu sớm tiếp thu tinh thần cách mạng và nhiệt huyết yêu nước.
Đồng chí Lê Khả Phiêu luôn để tâm, đau đáu với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng |
Từ năm 1947-1949, đồng chí Lê Khả Phiêu tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Tháng 6/1949, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, khi mới 18 tuổi. Ngày 1/5/1950, đồng chí Lê Khả Phiêu nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong thời gian gần 50 năm ở quân ngũ, đồng chí Lê Khả Phiêu trải qua nhiều chiến trường ác liệt. Đồng chí đã tham gia những mặt trận lớn như Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954); Mặt trận Trị Thiên (1965); Chiến dịch Mậu Thân (1968)...
Sau khi miền Nam được giải phóng, từ 1978 - 1988, đồng chí là Chủ nhiệm Chính trị, Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tư lệnh về Chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, tham gia chỉ huy Mặt trận 719 (của quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia) giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Với những cống hiến to lớn, tinh thần dũng cảm gan dạ, tài thao lược, thể hiện năng lực lãnh đạo quân đội trên cả hai phương diện chính trị và quân sự, đồng chí Lê Khả Phiêu đã được Đảng, Nhà nước phong hàm Thượng tướng vào năm 1992.
Trăn trở, tâm huyết với công tác xây dựng Đảng
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương). Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba, khóa VII, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương khoá VII (tháng 1/1994), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6/1996), đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, được cử tham gia Thường vụ Bộ Chính trị, phân công làm Thường trực Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.
Ngày 26/12/1997, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), đồng chí được bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí đi nhiều địa phương, đến thăm và làm việc với nhiều cấp, nhiều ngành, để lại dấu ấn là người lãnh đạo sâu sát, am tường và quan tâm đến rất nhiều lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại.
Qua nghiên cứu, nắm bắt thực tế, điều đồng chí Tổng Bí thư lo lắng nhất khi đó là những biểu hiện suy thoái của tổ chức Đảng và của cán bộ, đảng viên ngày càng nghiêm trọng, làm cho đất nước rơi vào nguy cơ tụt hậu; làm xói mòn, giảm sút niềm tin của Nhân dân với Đảng. Theo đồng chí, để hoàn thành trọng trách cao cả của Đảng cầm quyền, để lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, cần phải mở ngay một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng; nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta trở thành một đảng trong sạch, lấy lại niềm tin của Nhân dân và đủ sức mạnh lãnh đạo đất nước. Dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ngày 2/2/1999, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 6 (lần 2), ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Để thực hiện có hiệu quả, đưa tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII vào cuộc sống, đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng phát động toàn Đảng, toàn dân tham gia Cuộc vận động: “Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; làm chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, đạo đức, nhân cách và phong cách của người đảng viên cộng sản. Theo đồng chí, để làm trong sạch Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng phải bắt đầu từ công tác cán bộ.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa VIII), đồng chí có bài phát biểu trong đó nêu rõ cần kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị là một nhiệm vụ trong toàn bộ cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉ có kết hợp chặt chẽ việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì công việc ấy mới có kết quả.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến thăm nơi ở của đồng bào mới được di dời tránh lũ tại ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, trong chuyến đi kiểm tra, thị sát và chỉ đạo công tác cứu trợ Nhân dân vùng bị lũ lụt và khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (27-29/9/2000). Ảnh: Cao Phong/TTXVN |
Nhìn lại thời gian giữ cương vị Tổng Bí thư của đồng chí Lê Khả Phiêu từ 12/1997-4/2001, đồng chí đã có những đóng góp to lớn, hiệu quả, góp phần quan trọng đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhân dân ta. Đồng chí Lê Khả Phiêu là con người của hành động, luôn có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió, những nơi khó khăn ác liệt nhất, mạnh dạn, táo bạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Nhân dân, trước Đảng và Nhà nước. Đồng chí luôn luôn đặt lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết. Suy nghĩ và việc làm của đồng chí luôn thể hiện sự trăn trở của một công dân, của một nhà lãnh đạo, người đứng đầu của Đảng. Đồng chí chưa bao giờ bằng lòng với những gì đã làm được, không say sưa ngủ quên với những thắng lợi mà luôn luôn tìm tòi theo cách nghĩ đột phá, sáng tạo.
Gần gũi với Nhân dân
Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, trọng dân, thương dân, lòng tự hào dân tộc sâu sắc, đồng chí Lê Khả Phiêu chủ động đến với Nhân dân để hiểu dân, học dân, hỏi dân, bàn bạc với dân và tìm ra cách làm có hiệu quả nhất. Với phong cách làm việc tận tụy, trách nhiệm, kiên định, đồng chí Lê Khả Phiêu thể hiện lập trường tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, trọn nghĩa, vẹn tình, thủy chung với đồng bào, đồng chí - đó là phong cách của một quân nhân, một nhà lãnh đạo, một người cộng sản mẫu mực, chân chính. Đó cũng chính là tấm gương người cán bộ lãnh đạo trưởng thành từ cơ sở, tác phong gần gũi quần chúng, phương pháp làm việc luôn sâu sát, cụ thể, hiệu quả và trên hết là luôn hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân.
Với nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Bình Minh (t.h)
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG ĐẠI HỘI ĐIỂM MTTQ XÃ TRÚC SƠN, NK 2024-2029