Đến thôn 8, xã biên giới Đắk Wil (Cư Jút) lập nghiệp từ những năm 90 của thế kỷ trước, anh Nguyễn Văn Thuận ban đầu chọn điều làm cây chủ lực để phát triển kinh tế. Gia đình anh đầu tư vào sản xuất thâm canh, nhưng hiệu quả cây điều mang lại chẳng đáng là bao.
Vì thế đến năm 2010, anh Thuận đã quyết định xuống giống gần 2 ha xoài cát và xoài Đài Loan để thay thế vườn điều. Mấy năm sau, loại cây này tỏ ra phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương khi cho năng suất, chất lượng tốt, được người dùng ưa chuộng. Có nguồn thu bước đầu, anh Thuận tiếp tục mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện tại, anh Thuận có khoảng 4 ha đất trồng trái cây, trong đó chủ yếu là xoài, ổi.
Vườn xoài của gia đình anh Nguyễn Văn Thuận, thôn 8, xã Đắk Wil (Cư Jút) đang trong quá trình tham gia tổ hợp tác sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP |
Những năm gần đây, vườn cây của gia đình anh Thuận được thương lái tìm đến tận nơi để mua. Mặc dù lợi nhuận mang về từ vườn trái cây khá ổn, nhưng anh Thuận cho rằng giá bán còn quá thấp so với thực tế thị trường.
“Vào chính vụ thu hoạch, lượng sản phẩm là rất lớn. Trong khi đó, thương lái về vườn chỉ trả giá bằng khoảng 1/2, thậm chí 1/3 giá cả thị trường. Người nông dân như chúng tôi không tìm được đầu ra sản phẩm nên cũng đành chịu cảnh thương lái họ ép giá thôi”, anh Thuận ngậm ngùi.
Mới đây, khi xã Đắk Wil có chủ trương thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Thuận cùng một số hộ dân trồng trái cây trong thôn 8 đã đăng ký tham gia làm thành viên. Theo Trưởng thôn 8 Lê Văn Bính, hiện tại thôn đang rà soát diện tích để sớm trình thủ tục để xã thành lập THT. Dự kiến sẽ có hơn 20 hộ dân với trên 20 ha cây ăn trái đang trong giai đoạn sản xuất tham gia vào mô hình này. Hy vọng khi xây dựng được THT, đầu ra sản phẩm sẽ thuận lợi, giá cả cũng đỡ bấp bênh hơn.
Xã Đắk Wil hiện có trên 110 ha cây ăn trái các loại, tập trung tại thôn 8 của xã. Theo Phó Chủ tịch xã Đắk Wil Nguyễn Minh Tâm, thôn 8 là nơi giao thoa của 2 vùng thổ nhưỡng, có hệ đất sỏi cơm màu đen, rất phù hợp với các loại cây ăn trái. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm tại khu vực này bảo đảm cung cấp cho các loại cây ăn trái. Những năm qua, người dân thôn 8 đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào nâng cao năng suất, chất lượng nên trái cây ở vùng này khá nổi tiếng. Tuy nhiên, thực tế thì cây ăn trái ở địa phương đang trong tình trạng bế tắc đầu ra và giá cả khá bấp bênh. Do đó, nếu xây dựng được mô hình VietGAP, đầu ra của sản phẩm sẽ giảm bớt áp lực. Trái cây của Đắk Wil có thể đi vào trong hệ thống siêu thị, cửa hàng… và mang về lợi nhuận kinh tế cao cho người dân.
Một số vườn mít tại xã Đắk D’rông cũng được huyện Cư Jút hỗ trợ để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP |
Ngoài Đắk Wil, huyện Cư Jút đang xúc tiến xây dựng mô hình VietGAP cho khoảng 20 ha mít Thái Lan tại thôn 15, xã Đắk D’rông. Đây là những diện tích trồng chuyên canh, tập trung liền kề và đang trong giai đoạn sản xuất. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút Hồ Sơn, hiện Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt nam) đã lấy mẫu đất, nước ở khu vực trồng trái cây ở Đắk Wil, Đắk D'rông để phân tích và kết quả bước đầu rất khả quan. Dự kiến đến cuối năm nay, khi vào chính vụ thu hoạch các loại cây ăn trái, Trung tâm này sẽ tiếp tục lấy mẫu phân tích và nếu đạt chất lượng sẽ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, hiện toàn huyện có khoảng 800 ha đất đang trồng cây ăn trái với chủng loại đa dạng và phong phú, trong đó nhiều nhất là mít, xoài và quýt. Diện tích trồng cây ăn trái phân bố rải rác ở các xã, thị trấn nhưng tập trung nhiều nhất ở 2 xã có điều kiện tự nhiên phù hợp là Đắk D’rông và Đắk Wil. Thời gian gần đây, diện tích trái cây của địa phương có xu hướng tăng do giá tiêu xuống thấp, tình trạng tiêu chết diễn biến phức tạp nên nông dân chuyển đổi cây trồng sang một số loại cây khác như trái cây. |
Để hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP cây ăn trái, huyện Cư Jút đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt chủ trương, chính sách và kinh phí (khoảng 100 triệu đồng/mô hình). Theo ông Hồ Sơn, mục đích chính của huyện Cư Jút khi xây dựng các mô hình VietGAP là hướng dẫn nông dân sản xuất theo vùng, bảo đảm sản phẩm an toàn. Từ đó, hướng tới việc cấp tem giới thiệu nguồn gốc, đưa các sản phẩm trái cây vào hệ thống siêu thị, cửa hàng, giúp người trồng nâng cao thu nhập. Ngoài ra, huyện Cư Jút cũng hy vọng xây dựng được các mô hình tham quan, nghỉ dưỡng, tạo ra “vùng đệm” cho du khách khi tham gia tour, tuyến du lịch vùng công viên địa chất núi lửa Krông Nô.
Bài, ảnh: Lê Phước
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG ĐẠI HỘI ĐIỂM MTTQ XÃ TRÚC SƠN, NK 2024-2029