Nông dân xã Quảng Thành (Gia Nghĩa), thu hoạch bói cà phê. Ảnh: Mai Anh |
Những ngày này, gia đình bà Nguyễn Thị Thùy, thôn 3, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) đang bắt đầu thu hoạch 2 ha cà phê. Theo bà Thùy, để tạo thuận lợi cho thu hái, khoảng 1 tháng trước, bà đã tiến hành việc cắt cỏ ở những khu vực rậm rạp, tỉa bớt phần ngọn ở những cành không còn khả năng cho quả vụ sau. Việc làm này giúp giảm bớt công sức trong việc kéo bạt, thu hái.
Cùng với đó, bà giặt giũ lại bao, bạt sạch sẽ để loại trừ các yếu tố gây mất vệ sinh trong quá trình vận chuyển, phơi sấy. Hiện nay, toàn rẫy vẫn chưa chín đồng đều nên bà chỉ hái những cây chín. Khoảng 15 ngày sau thì gia đình sẽ tập trung nhân công hái đại trà. Theo bà Thùy, những năm gần đây, bà đã tích cực tham gia những hội nghị, buổi tập huấn về trồng, chăm sóc, thu hái cà phê. Chính vì thế bà đã chú trọng hơn đến việc hái đúng cách để nâng cao chất lượng nông sản, tăng tính cạnh tranh khi bán ra thị trường.
Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk R’lấp, toàn huyện hiện có trên 19.000 ha cà phê, trong đó hơn 14.400 ha kinh doanh, năng suất ước đạt 2,4 tấn/ha. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nhân, những năm gần đây, nội dung về kỹ thuật thu hái đúng cách được chú trọng nhiều hơn trong các cuộc tập huấn, hội thảo.
Riêng 9 tháng đầu năm 2018, toàn huyện đã tổ chức được 32 lớp tập huấn cho nông dân với 1.155 lượt người tham gia về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái các các loại cây trồng chủ lực, trong đó có cà phê. Cùng với đó, địa phương cũng đã cấp phát 129 cuốn thông tin khuyến nông, 5.000 tờ rơi cho khuyến nông viên, cộng tác viên của các xã, thị trấn để đội ngũ này tuyên truyền, hướng dẫn bà con triển khai.
Huyện Đắk Glong hiện có hơn 16.000 ha cà phê, từ đầu năm đến nay qua các hội nghị, tập huấn, ngành chức năng, các đoàn thể cũng đã đẩy mạnh việc vận động, hướng dẫn nông dân thu hái cà phê đúng quy trình. Trong đó, nội dung này được lồng ghép trong 17 lớp tập huấn, hội nghị chuyển giao khao học kỹ thuật cho nông dân. Theo Hội Nông dân huyện, các hội viên, nông dân ở các thôn, bon còn tham gia vào các đội tự quản bảo vệ mùa cà phê tại những vùng rẫy xa nhà dân, tránh tình trạng bà con sợ mất trộm, hái non. Một số vùng bà con thực hiện việc đổi công để hái đồng loạt khi vườn chín đều, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chăm sóc cây sau thu hoạch.
Nông dân xã Đắk Sin, huyện Đắk R'lấp đã bắt đầu hái bói cà phê đối với những cây có tỷ lệ quả chín cao |
Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật ( Sở Nông nghiệp – PTNT) thì những năm gần đây, việc nâng cao nhận thức cho nông dân về thu hái đúng quy trình kỹ thuật được các cơ quan chuyên môn, các địa phương triển khai sâu, rộng hơn. Có thể nói với những nỗ lực của ngành chức năng, các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân trong tỉnh, việc thu hái, sơ chế cà phê từng bước có chuyển biến. Chưa có con số khảo sát, thống kê cụ thể nhưng qua theo dõi cho thấy tình trạng “xanh nhà hơn già đồng” ngày càng giảm. Theo đó, khâu thu hái, chế biến, phơi sấy được nhà nông lưu ý hơn. Cách hái bứt quả thay vì tuốt cả cành, lá gây hại cho cây được quan tâm. Sau khi thu hái xong thì hầu hết nông dân tiến hành xay xát, phơi sấy liền, không chất đống làm phát sinh nấm mốc, bao bì đựng thì sạch sẽ không dính hóa chất, phân bón. Việc các đơn vị thu mua tăng giá thu mua trên mỗi kg sản phẩm cho những hộ có chất lượng cà phê nhân cao cũng đã khuyến khích nông dân hạn chế tạp chất, hạt vỡ. Hoạt động thu hái, sơ chế đúng cách đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm cà phê Đắk Nông trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Hồng Thoan
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Ý kiến bạn đọc
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG ĐẠI HỘI ĐIỂM MTTQ XÃ TRÚC SƠN, NK 2024-2029