Trang Thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cư Jút

http://ubmttqvnhuyencujut.daknong.gov.vn


Chuyện học ở vùng sâu Đắk D’rông

Để học được “cái chữ”, rất nhiều em học sinh Trường tiểu học Vừ A Dính, xã Đắk D’rông (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) phải đi bộ quãng đường đất gần chục km để đến trường. Còn thầy, cô giáo hàng ngày luôn canh cánh nỗi lo là làm sao để học sinh an toàn trong suốt buổi học…

 

Học sinh ở các thôn 19, 20 đều phải đi bộ quãng đường đất dài để đến trường

Vừa đi vừa ăn

Từ 4 giờ sáng, em Hứa Thị Thanh Huyền ở thôn 20 bật dậy khỏi giường, đi vội đôi dép rộng quá cỡ rồi chạy ra giếng nước vệ sinh cá nhân. Ngoài việc xếp sách vở vào chiếc cặp cũ kỹ, thủng đôi chỗ, em mang theo nắm cơm, gói muối xúp. Huyền năm nay mới vào lớp 1B, nhưng mỗi động tác của em đều gấp gáp, thành thạo, vì nếu chậm, em sẽ không theo kịp các anh chị, bạn bè để cùng vượt quãng đường đất đèo dốc, nhất là khi lội qua suối cần có sự hỗ trợ. Khoảng 4 giờ 30 phút, nghe tiếng í ới gọi nhau, Huyền chạy vội ra ngõ, hòa cùng đoàn với các anh chị lớp trên và bạn cùng lớp ở các thôn 19, thôn 20.

Huyền cho biết: “Em và các bạn, anh chị phải dậy từ sáng sớm mang theo cơm vừa đi, vừa ăn mới kịp giờ vào học lúc 7 giờ sáng. Chúng em phải thường xuyên đi bộ, vì bố mẹ bận làm nương rẫy, ít khi được ngồi trên xe đạp hoặc xe máy đến trường”.

Những học sinh lớn cõng em nhỏ vượt qua dốc đến trường cho kịp giờ học

Trên đường đi, hầu hết các em đều giở gói cơm nắm vừa đi vừa ăn, thậm chí phải chạy để kịp giờ đến trường. Những đoạn có suối, đèo dốc, những anh chị lớn lại khom lưng để cõng các em nhỏ vượt qua. Hình ảnh đáng thương nhất, đó là tay, miệng, quần áo của các em đều dính đầy cơm, lẫn lộn với bùn đất.

Hầu hết các em đều được bố mẹ mua dép lớn hơn so với cỡ chân, nên lắm lúc bị tụt dép giữa đường, phải quay lại nhặt, hoặc cầm trên tay để lội qua suối. Nhiều em phải đi dép 2 màu, 2 cỡ khác nhau, vì hoàn cảnh gia đình nghèo, đông anh chị em, nên chiếc nào hư hỏng thì lấy chiếc cũ còn đi được để thay thế.

Thậm chí, rất nhiều em còn phải mặc quần áo rách, chắp vá mấy lớp, vì bố mẹ không có điều kiện để mua đồ mới.

Qua tìm hiểu, Trường tiểu học Vừ A Dính có 537 học sinh ở các thôn 11, 12, 19, 20. Trong đó, thôn 19, thôn 20 có gần 400 em đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5 và phần lớn hàng ngày phải đi bộ đến trường.

Học sinh Trường tiểu học  Vừ A Dính trong ngày khai giảng năm học mới

Phòng học dột nát

Ngoài chuyện đi bộ đến trường, các em học sinh khối lớp 3 và 4 còn chịu thêm thiệt thòi là 3 phòng học hiện đã xuống cấp, tường bị rách toác, cửa gỗ tạm lâu ngày bị cong vênh không còn đóng được, mái ngói bể nát. Do vậy, mỗi khi trời mưa, các em thường xuyên bị nước rơi từ trên mái nhà xuống đầu, ướt hết quần áo, sách vở, hoặc bị gián đoạn giờ học để di dời bàn ghế.

Tường của 3 phòng học bị nứt ngang

Em Nông Thị Thủy cho hay: “Mỗi lần trời mưa là nước từ trên cao đổ thẳng xuống đầu bọn em, mất thời gian chuyển bàn ghế vào chỗ khô ráo để học. Mùa lạnh, cửa phòng không đóng được, gió lùa vào, làm cho bọn em cóng tay, không viết được chữ”.

Mái ngói một góc phòng học bị mục nát nên mỗi khi trời mưa làm ướt quần áo, sách vở học sinh

Không chỉ học sinh, thầy cô giáo cũng vất vả, còn lắm nỗi lo canh cánh trong người. Cứ vào buổi sáng sớm trước lúc học sinh chưa đến lớp, thầy Phạm Khắc Trọng, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A mở cửa bước vào phòng đầu tiên. Sau khi xem xét, cảm giác có phần an tâm, thầy Trọng mới ra ngoài chờ và đón học sinh vào.

 

Sáng sớm hàng ngày, việc đầu tiên của các giáo viên dạy tại 3 phòng học xuống cấp là vào quan sát kỹ các vết nứt, nếu phát hiện to dần thì báo ngay cho ban giám hiệu để bố trí dạy ngoài trời, hoặc phòng họp để bảo đảm an toàn. Lo lắng nhất là những hôm trời gió mạnh, đứng trên bục giảng bài mà chúng tôi luôn thấp thỏm sợ phòng học đổ sập.

Thầy Phạm Khắc Trọng, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A.

 

Xóa mù tiếng Việt

Bên cạnh đó, các giáo viên còn có thêm nỗi lo làm sao xóa mù chữ tiếng Việt cho những học sinh lớp 1 và 2. Bởi vì 100% học sinh vào lớp 1 đều không biết nói tiếng Việt, chỉ quen nói tiếng Mông, Tày, Nùng. Do vậy, sau các tiết học chính, các thầy cô giáo lại tăng thêm thời lượng để dạy thêm tiếng Việt, giúp các em nhận biết từng chữ cái.

Việc dạy các em đọc thông viết thạo tiếng Việt rất gian nan, bởi lắm lúc công sức tăng thời gian dạy cả tuần nhiều khi không đạt như kết quả mong muốn. Vì tuổi nhỏ, đa số các em nghỉ 2 ngày cuối tuần, về nhà lại nói tiếng bản địa, khi quay lại lớp thì quên hết. Đối với học sinh lớp 2, sau kỳ nghỉ hè, vào lớp 3, nhiều em lại quên hết tiếng Việt nên các giáo viên cũng phải tăng thêm thời lượng để củng cố lại kiến thức.

Theo các giáo viên, 100% học sinh của trường đều là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm 70%, số còn lại là Tày và Nùng. Để những học sinh các lớp 1, 2 và 3 đọc thông, viết thạo tiếng Việt, thầy cô giáo phải nhờ các em lớp 5 “phiên dịch” mới đạt được hiệu quả. Những ngày cuối tuần, giáo viên còn vào tận thôn, bản để vận động học sinh đến trường, phụ huynh cho con đến lớp.

Thầy Phạm Văn Phối, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vừ A Dính cho biết: Nhiều thôn, bản đồng bào ở xã Đắk D’rông thuộc vùng sâu, vùng xa, trong diện khó khăn của tỉnh. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện khó khăn, không có điều kiện để mua xe đạp cho con cái, nên học sinh thường phải đi bộ đến trường. Hiện trường có 3 phòng học xuống cấp từ nhiều năm, cũng đã tổ chức sửa chữa 4 lần, nhưng chỉ mang tính tạm thời, chỉ được thời gian gắn, không bền vững, nguy cơ xảy ra đổ sập rất cao.

Tác giả bài viết: Phạm Khánh

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây