Trang Thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cư Jút

http://ubmttqvnhuyencujut.daknong.gov.vn


Xu thế phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm

Triển khai Đề án xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với một số HTX trên địa bàn tỉnh.
Xu thế phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm

 

Hoạt  động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm được Liên minh HTX tỉnh chú trọng

Nâng giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản

Thực tiễn cho thấy, trong quá trình sản xuất nông sản, công đoạn đầu vào, thu mua, lưu thông, tiêu thụ của chuỗi giá trị này chủ yếu do doanh nghiệp thực hiện. Vì mục tiêu lợi nhuận và quy luật thị trường, doanh nghiệp thường bán cao đối với sản phẩm, dịch vụ đầu vào và ép giá thu mua thấp đối với sản phẩm, dịch vụ đầu ra. Toàn bộ lợi nhuận phát sinh ở công đoạn đầu và cuối là doanh nghiệp thâu tóm.

Người sản xuất bỏ công sức, bỏ chi phí nhiều nhất, nhưng lại thu được lợi nhuận ít vì chưa làm chủ được những công đoạn quan trọng trong chuỗi giá trị của sản phẩm do chính mình làm ra. Ngoài ra, do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn, thiếu máy móc trang thiết bị, khoa học công nghệ… nên người sản xuất thường không sơ chế, bảo quản nông sản để làm tăng giá trị, mà phải bán nông sản thô, bán theo thời vụ nên càng tạo điều kiện cho doanh nghiệp ép giá.

Nhưng khi tham gia HTX, các công đoạn trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, sơ chế làm gia tăng giá trị sản phẩm đều do HTX đảm nhận. Thông qua HTX, Liên minh HTX, sự hỗ trợ máy móc của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp sẽ đến được với nhiều người và hiệu quả hơn rất nhiều.

Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô cho biết: HTX là đầu mối kết nối với các công ty cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra và đầu tư máy móc chế biến sản phẩm ca cao. HTX đang giảm dần sản phẩm xuất thô, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông sản.

Nâng cao giá trị sản phẩm qua đầu tư máy móc chế biến, hạn chế bán thô đang là cách làm hiệu quả của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh

Đây được xem là bước đi thích hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản khi hội nhập quốc tế sâu và toàn diện. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông vẫn phát triển với quy mô nhỏ, manh mún, đa phần sản xuất theo kiểu truyền thống thì sự liên kết lại càng cần thiết, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển chuỗi liên kết, năm 2018, Liên minh HTX Việt Nam đã đầu tư hỗ trợ xây dựng 2 chuỗi giá trị đối với 2 HTX. Cụ thể, HTX Nông nghiệp Xanh Quảng Trực, bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực (Tuy Đức) đã được hỗ trợ 150 triệu đồng đầu tư mua hạt giống sachi, 2 máy tách vỏ sachi, 1 máy sấy sachi, máy tính, máy in hóa đơn thanh toán.  Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Tia Sáng (phường Nghĩa Trung, Gia Nghĩa) được hỗ trợ 135 triệu đồng mua sắm kho lạnh bảo quản sản phẩm, bộ máy tính, phần mềm kế toán...

Năm 2019, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ cho HTX Nông Nghiệp Krông Nô đầu tư máy móc xây dựng mô hình chế biến ca cao.  Hiện nay, 2 HTX đã được hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi giá trị đang tập trung vào mùa vụ chế biến và liên kết xuất khẩu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

HTX Đắk Nông Farm đầu tư máy sấy, đóng gói sản phẩm nông sản

Xóa trung gian, chăm lo lợi ích thành viên

Qua 1 năm triển khai hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị, kết quả cho thấy thông qua mô hình, HTX sẽ cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên HTX với giá thấp nhất và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm với giá bán tốt vì đã có doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm, thay vì phải qua các khâu trung gian làm tăng giá thành sản phẩm. Việc xây dựng chuỗi giá trị gắn với xây dựng HTX cũng giúp cho thành viên HTX có tiếng nói mạnh mẽ hơn, có năng lực đàm phán trong giao dịch với đối tác. Tuy nhiên, phần lớn HTX trong tỉnh còn hạn chế vì chưa có các hình thức liên doanh, liên kết trong khu vực HTX cũng như giữa HTX với các doanh nghiệp.

Khi xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, các công đoạn trong sản xuất sẽ được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả. HTX sẽ từng bước làm chủ cả ba công đoạn trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Trong sản xuất theo chuỗi, vai trò của doanh nghiệp hết sức quan trọng, tham gia ngay từ đầu của quá trình sản xuất, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho thành viên HTX, nông dân liên kết, giám sát thực hiện các quy trình để cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

Theo ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thì xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm là một trong những mắt xích quan trọng giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hiện nay. Đây cũng là xu thế tất yếu trong hoạt động của các HTX nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, nhu cầu liên kết giữa các HTX với nhau, giữa HTX với doanh nghiệp là hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay.

Bài, ảnh: Hưng Nguyên

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây