Trang Thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cư Jút

http://ubmttqvnhuyencujut.daknong.gov.vn


Chư Jút: Từng bước xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Thời gian qua, huyện Chư Jút (Đắk Nông) đã và đang chú trọng kêu gọi doanh nghiệp phối hợp với người dân để triển khai các chuỗi liên kết. Kết quả một số mô hình liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, có sự hỗ trợ, quản lý của nhà nước đã bước đầu mang lại hiệu quả.
Chư Jút: Từng bước xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

 

 

Người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được hỗ trợ giống, kỹ thuật, cơ giới hóa các quá trình gieo giống và thu hoạch, bao tiêu sản phẩm và trích % giá trị sản phẩm.

Nông dân xã Đắk D'rông nhiều năm qua liên kết với doanh nghiệp sản xuất đậu phụng đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Y Krăk

Người dân hưởng lợi

Vụ hè thu năm nay, bà Lê Thị Lai, ở thôn 10, xã Nam Dong (Chư Jút) gieo trồng 8 sào đậu nành. Sau khi cày xới và làm đất, toàn bộ diện tích đã được Công ty VinaSoy tiến hành gieo hạt bằng máy. Đây là một trong nhiều công đoạn mà Công ty VinaSoy hỗ trợ gia đình khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất đậu nành. Ngoài việc hỗ trợ máy móc gieo hạt, bà Lai còn được hỗ trợ giống, bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Bà Lai cho biết: Gia đình tôi tham gia chuỗi liên kết sản xuất đậu nành từ năm 2017. Tham gia chuỗi liên kết, chúng tôi được rất nhiều lợi ích như được công ty bảo đảm về giống chất lượng, mang máy tới rẫy để hỗ trợ gieo hạt, được bao tiêu sản phẩm và cộng 15% giá trị sản phẩm khi bán. Không những thế, với một số công đoạn sản xuất được cơ giới hóa, năng suất của cây đậu đã tăng đáng kể.

Bà Lai chăm sóc đậu nành vụ hè thu 2018

Tương tự, chị Trần Thị Yến, ở thôn 9, xã Nam Dong có 1 ha đất sản xuất đậu nành. Sau khi tìm hiểu một số hộ tham gia liên kết năng suất thường đạt cao hơn rẫy của chị. Nên vụ hè thu năm nay, chị đã đăng ký tham gia chuỗi liên kết. Theo chị Yến thì trước khi tham gia liên kết, chị được phía Công ty VinaSoy cam kết hỗ trợ giống, kỹ thuật, quy trình sản xuất. Đặc biệt, nông dân tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ máy gieo hạt, thu hoạch bằng máy và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.

Ông Vũ Trung Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Dong cho biết: "Đây là năm thứ 2 xã triển khai liên kết giữa nông dân và Công ty VinaSoy trong sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ đậu nành. Năm 2017, toàn xã  có 18 hộ tham gia liên kết với diện tích 20 ha. Vụ hè thu năm 2018, số hộ đã tăng lên 110 hộ tham gia liên kết với diện tích là 144 ha".

Được biết, trong vụ hè thu này, công ty cung cấp giống cho người dân và bao tiêu sản phẩm với giá 13.000 đồng/kg. Nếu giá thị trường cao hơn thì công ty sẽ mua theo giá thị trường và các hộ tham gia được trích 15% giá trị sản phẩm khi bán cho công ty.

Nâng cao vị thế sản xuất nông nghiệp

Huyện Chư Jút có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là hoa màu  với diện tích gieo trồng trên 40.000 ha, tổng sản lượng lương thực đạt trên 140.000 tấn.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Jút, thực tế hiện nay, người nông dân còn thiếu kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp, thiếu thông tin thị trường. Sản xuất nông nghiệp của nông dân trên địa bàn huyện vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, chưa tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất thiếu ổn định. Nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường hiện tại, bất chấp dự báo, dự đoán trong tương lai, không tuân theo định hướng, quy hoạch chung của huyện. Phần lớn nông dân còn thiếu kinh nghiệm trong việc tiếp cận với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp, tập quán canh tác lạc hậu, chưa chú trọng nhiều đến áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cộng thêm tập quán canh tác lạc hậu cũng khiến cho việc phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi gặp khó khăn.  

Khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, các doanh nghiệp mong muốn có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao nhằm chủ động nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư sản xuất, đôi khi nảy sinh một số mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và nông dân dẫn đến một số doanh nghiệp ngại khi thực hiện liên kết. Bên cạnh đó, cũng có một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người nông dân, đó là lý do khiến tính liên kết thiếu bền vững. Một số doanh nghiệp chưa mặn mà với liên kết, chủ yếu liên kết để bán giống.

 

Để từng bước nâng cao vị thế sản xuất nông nghiệp của địa phương, huyện Chư Jút đã phê duyệt Đề án thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của Đề án là xây dựng các chuỗi sản xuất có sự liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

 

Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút, thời gian qua, huyện đã từng bước xây dựng mô hình điểm thực hiện chuỗi liên kết trên địa bàn để nông dân tham quan, học tập và từng bước nhân rộng mô hình. Triển khai chuỗi liên kết đã mang lại hiệu quả bước đầu trên cây đậu nành giữa Công ty VinaSoy và người dân xã Nam Dong bước đầu chứng minh xu thế tất yếu trong liên kết chuỗi.

Ngoài đậu nành đang có những kết quả khả quan, huyện Chư Jút đã và đang thực hiện các chuỗi liên kết khác trên cây hồ tiêu, đậu phụng, dược liệu... giữa các hộ sản xuất với các doanh nghiệp nhằm tạo sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng cung cấp đến tay người tiêu dùng.

                                                                                                              Bài, ảnh: Đức Hùng

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Oline

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây