Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một người con rất ưu tú của Tổ quốc

Thứ ba - 20/08/2019 14:08
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng-Bác Tôn là một nhà yêu nước, người cộng sản mẫu mực, kiên cường trong ý chí, tiên phong trong hành động cách mạng, suốt đời đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do và hạnh phúc của Nhân dân.

 

Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Hiến dâng cả đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc

Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 tại Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang ngày nay, trong một gia đình trung nông. Thuở nhỏ, Tôn Đức Thắng học chữ Hán với thầy Nguyễn Thượng Khách-một nhà nho yêu nước của phong trào Duy Tân, sau đó học trường tiểu học Long Xuyên. Năm 1907, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn học trường Bá Nghệ và chọn con đường làm thợ máy.

Năm 1916, Tôn Đức Thắng bị bắt sang Pháp làm lính thợ ở quân cảng Tu-lông và ngày 19/4/1919, cùng với anh em thủy binh Pháp phản chiến để bày tỏ tình đoàn kết với giai cấp vô sản nước Nga.

Bị trục xuất về nước, Tôn Đức Thắng sống, làm việc trong giới công nhân và thành lập Công hội bí mật Sài Gòn năm 1920. Năm 1927, Tôn Đức Thắng tham gia Kỳ bộ Hội Thanh Niên cách mạng Nam Kỳ. Ngày 26/7/1929, Tôn Đức Thắng bị bắt và ngày 27/6/1930 bị thực dân Pháp kết án 20 năm khổ sai, đày đi Côn Đảo.  

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, đồng chí Tôn Đức Thắng về đất liền, tham gia Xứ ủy Nam Bộ; đắc cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 3/1946, đồng chí Tôn Đức Thắng ra Hà Nội và từ đó lần lượt đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng của đất nước: Phó ban và Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Mặt trận Liên Việt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội Việt-Xô hữu nghị, Chủ tịch danh dự Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa IV.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên nhận được Giải thưởng Lênin “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc” và Huân chương Lênin vào năm 1967. Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của nước ta vào tháng 8/1958.

Có thể nói, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một chứng nhân lịch sử theo suốt cuộc trường chinh vì độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, bắt đầu từ thời kỳ đấu tranh giành chính quyền trong những năm 1930 cho đến cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ 1945-1975 và cuối cùng là 2 cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Trong cuộc đời mình, trên bất kỳ cương vị nào, là người thợ máy hay làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn hiến dâng cả đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.

Các đồng chí lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh dâng hương, viếng Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người (20/8/2018) tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh)

Biểu tượng của sự nghiệp đại đoàn kết

Tài năng lớn nhất ở Bác Tôn chính là tài tổ chức, tập hợp những người cùng chí hướng, cảm hóa những kẻ lầm đường… để rồi Bác Tôn trở thành biểu tượng của sự nghiệp đại đoàn kết đồng bào, đồng chí; đoàn kết anh em, bạn bè quốc tế.

Cuộc sống thợ thuyền đã dạy cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng biết khai thác tình cảnh thống khổ chung để tập hợp anh em lao động. Tác phong gương mẫu, tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, có năng lực chuyên môn cao đã tạo ra sức hút kỳ lạ trong con người Tôn Đức Thắng đối với anh em công nhân, đoàn kết họ lại để đấu tranh.

Trong suốt 15 năm bị đày ải ở Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng là hạt nhân đoàn kết trong chi bộ và Hội tù nhân, không chỉ những người cộng sản, tù chính trị mà cả tù thường phạm đều kính trọng. Có thể nói, bác Tôn Đức Thắng ở đâu thì không khí đoàn kết thương yêu bao trùm ở đó.

Tiếp thu truyền thống đại đoàn kết của dân tộc, cộng với kinh nghiệm của bản thân đã trải qua những bước đường gay go, gian khổ, khi được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt (1951) và sau đó là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (9/1955), Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã toàn tâm, toàn ý xây dựng khối liên minh công-nông vững chắc làm nền tảng cho Mặt trận; xây dựng và bảo vệ khối đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia cũng như đoàn kết với các nước trong cuộc đấu tranh chung của Nhân dân tiến bộ thế giới.

Hằng năm, đông đảo người dân đến dâng hương, viếng Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhân ngày sinh của Người tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh)

Bác Tôn còn là tấm gương sáng về ý chí kiên cường bất khuất và tinh thần đấu tranh cách mạng. Đó chính là tấm gương kiên trung của một người tù khổ sai bị đày ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Nơi đó, ngườì chiến sĩ có gan dạ, bền chí mới chống lại được xiềng xích, đòn roi của kẻ thù mới chịu nổi 17 năm tù dài đằng đẵng trong cuộc đời Bác Tôn.

Đồng chí Lê Duẩn là người cùng bị giam cầm ở Côn Đảo đã khẳng định mạnh mẽ phẩm chất của Bác Tôn: “Đế quốc Pháp đã bắt giam, đọa đày đồng chí 17 năm trời ở nhà ngục Côn Lôn với chế độ khổ sai... Trong nhà tù, đồng chí luôn nêu cao tấm lòng yêu nước và chí khí quật cường của người công nhân, luôn tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc và của giai cấp, luôn vui vẻ và không bao giờ sao lãng công tác cách mạng”.

 

Bác Tôn đã mất đi nhưng những đức tính cao quý của Người đã để lại cho chúng ta nhiều điều luôn phải suy ngẫm, tìm tòi, học tập như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho Nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ca ngợi: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc; là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng; suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân”.

 

Nhân cách người cộng sản gương mẫu

Nhân cách của Bác Tôn là nhân cách người cộng sản gương mẫu, tiêu biểu cho đạo đức cách mạng, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Chủ tịch Tôn Đức Thắng dù ở cương vị nào cũng thể hiện nghiêm túc phẩm chất đạo đức của người cách mạng, lúc nào cũng chuyên cần, siêng năng, chăm chỉ; sống bình dị, đạm bạc, thanh cao; luôn giữ lòng thanh liêm chính trực, trong sáng; không màng cao sang, tiền tài danh lợi, hết lòng vì nước, vì dân, luôn sẵn sàng hy sinh cái riêng cho cái chung, đặt lợi ích chung lên lợi ích riêng…

Từ cuộc sống người thợ, rồi chốn lao tù đến khi giữ những trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn dành tất cả tình cảm cho đồng bào, đồng chí và sẵn lòng chia sẻ những khó khăn với tất cả mọi người. Nhận xét về phẩm chất đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhà sử học Christopher Giebel, chuyên gia nghiên cứu về Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Đại học Washington (Hoa Kỳ) đã nhận xét: “Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người khiêm tốn, giản dị, sống thật với bản chất và lý tưởng của mình, ông ấy được mô tả là một nhà cách mạng kiểu mẫu. Thật là một người bình thường mà vĩ đại”.

Bài, ảnh: TS Trần Xuân Thảo

Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Nguồn tin:  Báo Đăk Nông Online::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hình ảnh
Liên kết phải

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây